DỊ TẬT HẬU MÔN TRỰC TRÀNG

Dị tật hậu môn trực tràng

I. Tổng quan

  • Dị tật hậu môn trực tràng xảy ra với tỉ lệ 1 trên 4000 tới 5000 trẻ sinh sống
  • Dị tật hậu môn trực tràng gặp ở trẻ nam và nữ tương đương nhau. Tuy nhiên dị tật thể thấp chiếm 90% ở trẻ nữ còn trẻ nam chỉ 50%.
  • Bệnh thường kèm theo các dị tật bẩm sinh khác, chiếm đến 40-70% các trường hợp, trong đó dị tật đường tiết niệu hay gặp nhất
  • Bệnh nguyên chưa rõ ràng, tuy nhiên có một số đột biến đảo đoạn được phát hiện

II. Các dị tật kèm theo

  • Càng nhiều dị tật kèm theo thì bệnh càng nặng
  • Dị tật sinh dục tiết niệu
  • Có khoảng 30-50% các trường hợp dị tật hậu môn trực tràng có kèm theo các dị tật về sinh dục tiết niệu. Mức độ thường gặp theo từng thể dị tật hậu môn trực tràng
  • Còn ổ nhớp : 90%
  • Rò trực tràng cổ bàng quang: 84%
  • Rò trực tràng niệu đạo tiền liệt tuyến: 63%
  • Rò trực tràng tiền đình: 47%
  • Rò trực tràng niệu đạo hành: 46%
  • Rò trực tràng tầng sinh môn:26%
  • Hậu môn không thủng không có đường rò: 31%
  • Dị tật tiết niệu
  • Bất sản thận
  • Trào ngược bàng quang niệu quản
  • Bàng quang thần kinh
  • Thận câm
  • Phình to niệu quản
  • Thận ứ nước
  • Niệu quản lạc chỗ
  • Dị tật sinh dục: là một phần của thể còn ổ nhớp. Có khoảng 35% trẻ gái mới sinh còn ổ nhớp có ứ dịch âm đạo và 50% có cấu trúc Muller đôi.
  • Tật nón tuỷ bám thấp ( Tethered cord )
  • Có khoảng 25% trường hợp dị tật hậu môn trực tràng bị nón tuỷ bám thấp
  • Bệnh nhân có thiểu sản xương cùng và các bất thường về hệ tiêt niệu thường có nón tuỷ bám thấp
  • Bệnh nhân bị dị tật hậu môn trực tràng và nón tuỷ bám thấp có tiên lượng xấu về chức năng kiểm soát đại tiểu tiện về sau
  • Dị tật về xương cùng và cột sống
  • Dị tật về xương cùng là dị tật xương hay gặp nhất
  • Tỷ lệ xương cùng quan trọng hơn số lượng xương cùng
  • Gặp ở 25% các bệnh nhân dị tật hậu môn trực tràng thể cao, 10% ở thể thấp
  • Tỷ lệ xương cùng bình thường > 0.7
  • Ngoài ra bệnh nhân có thể bị các dị tật về tuỷ sống như thoát vị màng não tuỷ
  • Bất thường về nhiễm sắc thể: Hội chứng Down
  • Bất thường về đường tiêu hoá:
  • Bất thường về thực quản
  • Teo tá tràng
  • Ruột xoay dở dang
  • Bệnh Hirschprung
  • VACTERL:
  • Dị tật tim mạch: 12-22 %. Có thể gặp tứ chứng Fallot hoặc thông liên thất

III. Sự hình thành và phát triển của hậu môn-trực tràng trong thời kỳ phôi thai.

Quá trình hình thành và phát triển của hậu môn-trực tràng gắn liền với quá trình phân chia ở nhớp trong và ổ nhớp ngoài.

1. Quá trình phân chia ổ nhớp trong.

Khi phôi được 4mm (tuần lễ thứ 4), hậu tràng và xoang tiết niệu sinh dục đều có một phần nằm trong một khoang chung gọi là ổ nhớp. Đây là ổ nhớp trong phân cách với ổ nhớp ngoài bởi màng ổ nhớp. Quá trình phân chia ổ nhớp trong bắt đầu khi phôi được 4mm(tuần lễ thứ 4) và kết thúc khi phôi được 16mm (tuần lễ thứ 7) do hai cơ chế:

-Sự phát triển xuống phía dưới của cựa Tourneux. Cực này là một nếp gấp hình lưỡi liềm nằm giữa niệu nang (allantois) và hậu tràng(hind-gut) nằm ở phía đầu ổ nhớp. Cựa Tourneux phát triển từ trên xuống dưới cho tới khi gặp màng ổ nhớp.

-Sự phát triển và hòa vào nhau ở đường giữa của hai nếp gấp bên được gọi là nếp gấp Rathes.

Khi cựa Tourneux tiến đến màng ổ nhớp và hai nếp gấp Rathues gặp nhau ở đường giữa thì quá trình phân chia ổ nhớp trong kết thúc, xoang tiết niệu được ngăn cách với hậu môn bởi vách tiết niệu- trực tràng.

2. Quá trình phân chia ổ nhớp ngoài.

Khi phôi được 8mm, bờ bao quanh mặt ngoài của màng ổ nhớp dầy lên hình thành một tổ chức gọi là hố sinh dục. Khi vách tiết niệu- trực tràng tiến đến ở nhớp thì màng này tan biến đi, ổ nhớp trong thông với hố sinh dục bởi lỗ ổ nhớp. Lỗ ổ nhớp và hố sinh dục tạo nên ổ nhớp ngoài. Quá trình phân chia ổ nhớp  ngoài là quá trình hình thành vách tiết niệu-hậu môn. Phần sau của vách tiết niệu- hậu môn là do vách tiết niệu-trực tràng tiếp tục phát triển xuống phía dưới, phần nông do các nếp sinh dục di chuyển vào trong và trùm nên nhau.

Khi phôi được 16mm đến 50 mm, một ụ trung tâm được hình thành do vách tiết niệu- trực tràng phát triển xuống phía dưới, đó là tầng sinh môn nguyên thủy, tách lỗ của xoang tiết niệu sinh dục khỏi lỗ hậu môn. Khi vách tiết niệu hậu môn được hình thành xong cũng là lúc quá trình phân chia ổ nhớp kết thúc, hậu môn và trực tràng đã được hình thành.

3. Những bất thường trong quá trình hình thành hậu môn trực tràng và hậu quả.

Các dị tật của hậu môn và trực tràng là do những bất thường trong quá trình phân chia ổ nhớp trong và ổ nhớp ngoài. Các dị tật này được giải thích tóm tắt qua bảng 20.1.

Bảng 20.1. Nguyên nhân và các hình thái dị tật hậu môn trực tràng.

Giới

Nguyên nhân

Kiểu dị tật

Nam

Khuyết tật cựa Tourneux

Teo hậu môn-trực tràng, rò trực tràng-bàng quang

Khuyết tật nếp gấp Rathes

Teo hậu môn trực tràng, rò trực tràng-niệu đạo sau.

Khuyết tật ụ tầng sinh môn và nếp sinh dục.

Teo hậu môn, rò trực tràng hành niệu đạo.

Nữ

Khuyết tật cựa Tourneux

Teo hậu môn trực tràng, rò trực tràng- bàng quang.

Khuyết tật nếp gấp Rathes

Teo hậu môn-trực tràng, rò trực tràng ổ nhớp, rò trực tràng-âm đạo, teo hậu môn, rò trực tràng tiền đình.

Khuyết tật ụ tầng sinh môn và các nếp gấp sinh dục trong.

Hậu môn – tầng sinh môn trước, hậu môn – âm hộ.

Cả hai giới

Màng ổ nhớp không thủng hoặc thủng không hoàn toàn.

Hậu môn màng hoặc hẹp hậu môn màng.

Khuyết tật hình thành hốc hậu môn.

Teo hậu môn.

Khuyết tật nếp sinh dục ngoài.

Hậu môn nắp.

Tai biến mạch máu nuôi trực tràng.

Teo trực tràng.

 

 

IV. Phân loại dị tật hậu môn trực tràng.

Từ trước tới nay có nhiều phương pháp phân loại DTHMTT. Trước đây phân loại của Ladd và Gross (1993)đã từng được sử dụng rộng rãi. Các tác giả này chia DTHMTT thành bốn loại như sau:

  • Loại 1: Hẹp hậu môn và hẹp hậu môn màng.
  • Loại 2: Hậu môn màng.
  • Loại 3: Hậu môn bịt kín, trực tràng teo thành túi cùng đổ vào bàng quang, trước âm đạo, hoặc tầng sinh môn.
  • Loại 4: Teo trực tràng.

Phân loại của Ladd và Gross đơn giản, dễ áp dụng nhưng không bao gồm hết được tất cả thể loại DTHMTT và không có tác dụng hướng dẫn điều trị. Dựa vào các kết quả nghiên cứu giải phẫu vùng hậu môn và tương quan giữa túi cùng – trực tràng với vòng đai cơ mu- trực tràng, một phân loại quốc tế về DTHMTT đã được giới thiệu tại Melbourne, Úc năm 1970. Phân loại quốc tế ở Melbourne chia DTHMTT thành bốn loại (thấp, trung gian và các loại khác). Phân chia này đã từng được sử dụng rộng rãi, nhưng do việc phân loại khá chi tiết, phức tạp nên khó sử dụng. Năm 1986, một phân loại quốc tế mới về DTHMTT lại được giới thiệu tại Hội nghị phẫu thuật nhi thế giới ở Wingspread (Mỹ).

Phân loại này cũng chia DTHMTT thành bốn loại (cao,trung gian, thấp và các loại hiếm gặp) riêng con gái có thêm loại ổ nhớp.

Pena cho rằng việc phân chia DTHMTT thành các loại thấp, trung gian và cao không chính xác và không dựa vào kết quả điều trị, vì vậy năm 2000 đã đề xuất một phân loại mang tên Pena:

Bảng 20.2. Phân loại Pena

Con trai

Con gái

Rò hậu môn tầng sinh môn( rò hậu môn da)

Rò hậu môn tầng sinh môn(rò hậu môn da)

Rò trực tràng niệu đạo:

- Rò trực tràng hành niệu đạo

- Rò trực tràng niệu đạo tiền liệt tuyến

Rò trực tràng tiền đình

Rò trực tràng bàng quang

Còn ổ nhớp

Teo hậu môn không có rò

Teo hậu môn không có rò

Teo trực tràng

Teo trực tràng

 

Gần đây nhất tại hội nghị quốc tế tổ chức tại Krichenback, các nhà phẫu thuật Nhi đã đưa ra một phân loại đơn giản và có khả năng hướng dẫn việc áp dụng kỹ thuật mổ cho từng trường hợp.

Bảng 20.3: Phân loại Krichenbec

Những nhóm chính

Rò hậu môn tầng sinh môn( rò hậu môn da)

 

Rò trực tràng niệu đạo:

  • Rò trực tràng niệu đạo hành
  • Rò trực tràng niệu dạo tiền liệt tuyến

Rò trực tràng bàng quang

Rò trực tràng tiền đình

Không có rò

Hẹp hậu môn

Những thể hiếm gặp/theo từng vùng địa lí

Đại tràng hình túi

Teo/hẹp trực tràng

Rò trực tràng âm đạo

Rò kiểu chữ H

Các loại khác

V. Các tình huống lâm sàng và chuẩn đoán

1. Các bệnh nhân không có hậu môn

1.1 Ở con trai

Các bệnh nhân trong nhóm này có thể có hậu môn hoàn toàn bịt kín hoặc có lỗ rò từ hậu môn ra da ở tầng sinh môn( rò hậu môn da, hậu môn nắp không hoàn toàn). Lỗ rò nhiều khi rất bé, vì vậy cần khám kỹ không để sót. Cần quan sát kỹ đường phên giữa từ vết tích hậu môn cho đến dương vật. Những lỗ rò nhỏ có thể bị bịt bởi phân su nhưng từ vị trí lỗ rò đến vết tích hậu môn thường được che phủ bởi một màng trắng bóng, phía dưới có thể nhìn thấy mầu đen của phân su.

Nếu bệnh nhân không có lỗ rò ở tầng sinh môn, cần kiểm tra xem bệnh nhân có đái ra phân su không. Đái ra phân su là có rò trực tràng – bàng quang hoặc rò trực tràng – niệu đạo.

Tuy nhiên nhiều trường hợp có rò trực tràng – niệu đạo hoặc rò trực tràng – bàng quang nhưng bệnh nhân không đái ra phân su vì các lỗ rò bé bị phân su làm bít tắc.

Không đái ra phân su còn có thể là dị tật hậu môn nắp hoàn toàn (loại thấp), teo hậu môn không có rò (loại trung gian) hoặc teo hậu môn – trực tràng không có rò (loại cao).

Cần cố gắng xác định loại dị tật để quyết định kỹ thuật mổ. Nhiều trường hợp đã phải làm hậu môn nhân tạo thay vì tạo hình hậu môn ngay do chẩn đoán nhầm.

 Chẩn đoán hậu môn nắp có thể dựa vào:

  • Khám tầng sinh môn: Vết tích hậu môn được hình thành rõ, lõm sâu hoặc căng phồng lên khi khóc thường là loại thấp. Ngược lại vết tích hậu môn phẳng không thay đổi khi khóc thường là loại cao,

1.2. Ở con gái

Đa số DTHMTT ở con gái đều có lỗ rò, vì vậy cần phải khám kỹ tầng sinh môn.

  • Nếu vùng tầng sinh môn chỉ có một lỗ duy nhất, qua đó thấy cả nước tiểu và phân su cùng thoát ra, không có lỗ âm đạo, là trường hợp dị tật còn ổ nhớp.
  • Nếu bệnh nhân có lỗ âm đạo và niệu đạo riêng, phân su rò ra từ âm đạo, phía trong màng trinh là các trường hợp teo hậu môn, rò trực tràng – âm đạo thấp hoặc teo hậu môn, rò trực tràng – âm đạo cao.
  • Nếu lỗ rò nằm ở vị trí gặp nhau của hai môi sinh dục bé, ngoài màng trinh, là các trường hợp teo hậu môn, rò trực tràng tiền đình.
  • Lỗ rò ở vị trí gặp nhau của hai môi sinh dục lớn là rò hậu môn – âm đạo hộ. Trong các trường hợp rò trực tràng – tiền đình, rò hậu môn – âm hộ, chụp bóng trực tràng có bơm thuốc cản quang qua ống thông đặt vào lỗ rò sẽ cho phép xác định chính xác được thương tổn.
  • Lỗ rò ở tầng sinh môn dưới vị trí âm hộ là hậu môn nắp không hoàn toàn.

Cũng như đối với trẻ trai, cần phải kết hợp chụp Xquang cho các bé gái nghi DTHMTT không có lỗ rò.

Nói chung cần chẩn đoán các thể loại DTHMTT trước khi mổ chỉ là tương đối, chẩn đoán chính xác phải dựa vào quan sát thương tổn trong mổ.

Các phương pháp chẩn đoán khác gần đây đã được áp dụng bao gồm siêu âm, chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ.Hậu môn ở vị trí bất thường.

2. Hậu môn ở vị trí bất thường

Bệnh nhân vẫn có kích thước lỗ hậu môn bình thường nhưng đổ ra phía trước vị trí bình thường của hậu môn là dị tật hậu môn tầng sinh môn trước hoặc hậu môn âm hộ nếu ở vị trí gặp nhau của hai môi lớn ở trẻ gái.

3. Các bệnh nhân có hậu môn ở vị trí bình thường

Tình huống này bao gồm các bệnh nhân có hậu môn bình thường cả về hình dáng bề ngoài và kích thước nhưng có các biểu hiện của một hội chứng tắc ruột thấp như: nôn ra dịch xanh, bụng trướng, không ỉa phân su. Cần thăm trực tràng bằng ngón tay út một cách hệ thống. Bằng cảm giác của đầu ngón tay có thể xác định được teo trực tràng nếu thấy ống hậu môn kết thúc bằng một túi cùng tịt. Có thể nghĩ ngay đến một trường hợp hậu môn màng nếu ống hậu môn bị bịt kín bởi một màng mỏng căng phồng lên mỗi khi bệnh nhân khóc và qua đó có thể thấy màu sắc của phân su. Nếu phía ngoài lỗ hậu môn bình thường nhưng phía trong nhỏ hẹp, bệnh nhân vẫn có phân su thì có thể là trường hợp hẹp hậu môn – trực tràng. Cần chụp đại tràng và trực tràng có cản quang để xác định.

4. Cận lâm sàng

Năm 1930, Wangensteen và Rice giới thiệu kỹ thuật chụp bụng không chuẩn bị tư thế nghiêng, giữ bệnh nhân ở vị trí đầu dốc ngược, gối gấp, mông nhô cao, đánh dấu kim loại ở tầng sinh môn. Chụp phim sau khi bệnh nhân sinh từ 6-12 giờ để cho hơi đủ xuống đến trực tràng. Nếu thấy bóng trực tràng ở cao có thể chụp lại sau 6h. Nếu bệnh nhân có khoảng cách từ vết tích hậu môn đến bóng hơi ở túi cùng trực tràng dài hơn 2cm là có dị tật loại cao, nếu không cách ngắn hơn 2 cm là loại thấp.

Kely và Stephens phân loại dị tật loại cao và loại thấp dựa vào tương quan của bóng cùng trực tràng với đường mu – cụt. Đường mu cụt là đường nối mặt sau xương mu với phần thấp nhất của xương cùng. Hai điểm này nối với điểm thấp nhất của xương chậu (điểm I) tạo thành một tam giác. Nếu bóng trực tràng kết thúc trên đường mu – cụt là dị tật cao, nếu bóng trực tràng nằm trong tam giác PCI là loại trung gian, nếu bóng trực tràng nằm dưới điểm I là loại thấp

Tuy nhiên trên phim chụp không chuẩn bị vẫn có thể nhầm loại thấp với loại cao và ngược lại có thể là dị tật loại thấp nhưng do bóng trực tràng lấp đầy phân su nên ngăn cản hơi xuống phần thấp nhất. Để chính xác hơn ta có thể chụp phim có bơm thuốc vào túi trực tràng bằng kim chọc qua vết tích hậu môn.

Gần đây một số tác giả chủ trương chụp muộn hơn, sau sinh từ 12-24 giờ để hơi có thể đến được bóng trực tràng và sử dụng tư thế nằm nghiêng thay vì tư thế Wangensteen-Rice. Trẻ nằm nghiêng 3 phút trước khi chụp phim để hơi có thể xuống đến túi cùng trực tràng

 

5.  Chẩn đoán các dị dạng phối hợp

5.1 Dị tật xương cùng và cột sống

Một hoặc nhiều xương cùng có thể bị khuyết. Chức năng đại tiện bị ảnh hưởng nếu mất từ 2 đốt sống cùng trở lên. Tỉ số xương cùng là một thông số khách quan để đánh giá tình trạng xương cùng

Tỉ số xương cùng bình thường = BC/AB = 0,77. Bệnh nhân có tỉ số xương cùng <0,3 có chức năng đại tiện xấu trong khi đó tỉ số xương cùng >0,7 thường có chức năng đại tiện tốt

5.2 Các dị tật đường tiết niệu

DTHMTT có thể phối hợp với các dị tật tiết niệu như lỗ tiểu lệch thấp, luồng trào ngược bàng quang – niệu quản, phình niệu quản v.v… DTHMTT loại cao có tỷ lệ dị tật niệu phối hợp cao hơn. Vì vậy cần phải làm xét nghiệm như chụp UIV, chụp bàng quang trong khi đái hoặc siêu âm hệ thống tiết niệu để chẩn đoán và điều trị sớm các dị tật phối hợp.

5.3. Các dị tật đường tiêu hóa

DTHMTT có thể kết hợp với các dị tật khác của đường tiêu hóa như teo thực quản, teo ruột non, dị dạng quay ruột hoặc với dị dạng vô hạch đại tràng.

5.4. Các dị tật tim mạch

Dị tật tim mạch có thể kết hợp với DTHMTT, thống kê của Kiesewet-ter cho thấy tỷ lệ dị tật tim mạch kết hợp là 7%.

VI. Điều trị dị tật hậu môn trực tràng

Mục đích của điều trị các DTHMTT là cứu sống bệnh nhân, tạo ra một hậu môn ở vị trí bình thường và đảm bảo cho bệnh nhân có khả năng đi đại tiện bình thường sau mổ. Muốn đạt được mục đích này cần phải bảo vệ và sử dụng được tối đa các yếu tố tham gia vào cơ thể đại tiện tự chủ như cơ thắt ngoài, cơ thắt trong, bóng trực tràng và hệ thống thần kinh chi phối. Cần phải chọn các kỹ thuật mổ phù hợp cho từng loại thương tổn.

6.1. Làm hậu môn nhân tạo (HMNT)

Chỉ định cho DTHMTT loại cao và trung gian ( trừ teo hậu môn rò trực tràng tiền đình).

- Trước khi tiến hành làm HMNT, cần chú ý bồi phụ nước, điện giải và giữ thân nhiệt.

- Vị trí làm HMNT ở hạ sườn trái cho DTHMTT.

- Có nhiều vị trí làm hậu môn nhân tạo nhưng vị trí đại tràng ngang góc lách có nhiều ưu điểm:

Không cản trở khi hạ bóng trực tràng bằng nội soi trong khi mổ lần hai.

Cho phép thụt tháo sạch đại tràng dưới hậu môn nhân tạo vì vị trí hậu môn nhân tạo không quá xa bóng trực tràng như làm hậu môn nhân tạo ở đại tràng ngang phía dưới sườn phải.

6.1. Mổ hạ bóng trực tràng và tạo hình hậu môn.

Hạ bóng trực tràng tạo hình hậu môn bằng kỹ thuật Pena cải tiến giữ nguyên cơ thắt.

Kỹ thật mổ này có nhiều điểm khác biệt quan trọng so với kỹ thuật Pena:

- Cơ thắt ngoài và cơ thắt trong được giữ nguyên vẹn. Đây là yếu tố quan trọng làm cho tỉ lệ táo bón thấp và tỉ lệ đại tiện tự chủ.

- Phẫu tích tiến hành bên ngoài bóng trực tràng giảm bớt nguy cơ nhiễm trùng.

Chỉ định: cho các loại rò trực tràng niệu đạo hành, rò trực tràng âm đạo thấp, rò trực tràng tiền đình, còn ổ nhớp loại thất, teo hậu môn không có rò, teo trực tràng, hẹo hậu môn trực tràng. Các thể loại này có thể tiến hành phẫu thuật bằng đường sau trực tràng đơn thuần hoặc bằng nội soi ổ bụng kết hợp với đường sau trực tràng. Riêng rò trực tràng tiền đình chỉ nên phẫu thuật bằng đường sau trực tràng giữ nguyên cơ thắt.

6.3. Phẫu thuật nội soi hỗ trợ.

Phẫu thuật nội soi kết hợp với đường tầng sinh môn.

Chỉ định: chỉ định tốt nhất cho rò trực tràng-bàng quang, còn ổ nhớp loại cao,rò trực tràng âm đạo cao.

Phẫu thuật nội soi kết hợp với đường qua hậu môn

Chỉ định: teo trực tràng.

Phẫu thuật nội soi kết hợp với đường sau trực tràng giữ nguyên cơ thắt.

Chỉ định: Đối với rò trực tràng-niệu đạo, teo hậu môn không rò, còn ổ nhớp loại thấp, rò trực tràng âm đạo thấp.

6.4. Kỹ thuật mổ đường bụng

Chỉ định: ngày nay hầu như phẫu thuật đường bụng chỉ còn được sử dụng trong rất ít trường hợp: rò trực tràng bàng quang nhưng không thể tiến hành phẫu thuật nội soi do các quai ruột dính rất nhiều.

6.5. Đóng hậu môn nhân tạo.

14 ngày sau khi mổ hạ bóng trực tràng tiến hành nong hậu môn bằng dụng cụ ngày một lần. Đóng hậu môn nhân tạo sau 1 tháng.

6.6. Đối với rò trực tràng tiền đình chúng tôi tiến hành phẫu thuật một thì. Thụt tháo hàng ngày. Tiến hành phẫu thuật hạ bóng trực tràng tạo hình hậu môn bằng đường sau trực tràng giữ nguyên cơ thắt lúc trẻ khoảng 7 ngày tuổi. Kỹ thuật đã được mô tả ở trên.

6.7. Kỹ thuật tạo hình hậu môn bằng đường tầng sinh môn.

Chỉ định: hậu môn nắp hoàn toàn hoặc không hoàn toàn(rò hậu môn da).

6.8. Các biến chứng sau mổ

Các biến chứng sau mổ có thể gặp là:

-Rò trực tràng niệu đạo tái phát

-Hẹp hậu môn

-Sa niêm mạc trực tràng

-Són phân sau mổ

-Táo bón sau mổ

VII. Đánh giá kết quả sau mổ

1. Đánh giá kết quả theo Kelly:

Kelly sử dụng ba tiêu chí để đánh giá kết quả là dây phân, són phân và mức độ co thắt của cơ thắt ngoài (khi thăm trực tràng). Mỗi tiêu chí được chia làm ba mức độ và cho điểm từ        0-2. Kết quả tốt nhất khi tổng số điểm từ 5-6, trung bình khi tổng điểm từ 3-4,xấu:tổng điểm bằng 2.

Bảng đánh giá kết quả theo Kelly

Tiêu chuẩn

Mức độ

Điểm

Dây phân

    Không

2

    Thỉnh thoảng

1

    Thường xuyên

0

Són phân

    Không

2

    Thỉnh thoảng

1

    Thường xuyên

0

Co cơ thắt ngoài

    Khỏe

2

    Trung bình

1

    Không

0

 

2. Đánh giá kết quả theo Krickenbeck:

Năm 2005, tại hội nghị tổ chức tại Krickenbeck, một bảng đánh giá kết quả mới đã được thống nhất. Các tác giả đã sử dụng 3 tiêu chí là chủ động nhu động ruột, són phân và táo bón để đánh giá chức năng đại tiện cho các trẻ >3 tuổi.

Bảng đánh giá kết quả theo các tiêu chuẩn Krickenbeck

1.Khả năng chủ động nhu động ruột:

 Cảm giác mót đại tiện ( có hoặc không )

 Khả năng diễn đạt thành lời ( có hoặc không )

 Khả năng nín nhịn ( có hoặc không )

2.Són phân:

Độ 1: Thỉnh thoảng (1-2 lần/tuần)

Độ 2: hàng ngày nhưng không gây vấn đề xã hội

Độ 3: thường xuyên, gây vấn đề xã hội

3.Táo bón:

Độ 1: Có thể điều trị bằng thay đổi chế độ ăn

Độ 2: Cần thuốc nhuận tràng

Độ 3: Thay đổi chế độ ăn hoặc thuốc nhuận tràng không tác dụng