BỆNH LÝ ỐNG NIỆU - RỐN

BỆNH LÝ ỐNG NIỆU - RỐN

I. ĐẠI CƯƠNG

  Ống niệu-rốn nằm giữa mạc ngang và phúc mạc thành bụng vùng hạ vị, giữa hai dây chằng rốn. Ống có chiều dài thay đổi từ 3 đến 10 cm, đường kính 8-10 mm. Ống niệu-rốn là đoạn nối thông giữa phần trên của xoang tiết niệu sinh dục và niệu nang với rốn. Bình thường ống niệu-rốn bị tắc và chỉ tồn tại dưới dạng một dây xơ sau khi sinh.
  Khi ống niệu-rốn tồn tại một phần hoặc toàn bộ sẽ gây nên một số hình thái bệnh lý. Các bất thường bẩm sinh của ống niệu rốn bao gồm:


    - 
Xoang niệu rốn: tồn tại một phần ống niệu-rốn về phía thành bụng và có thông thương với rốn.
    - 
Nang niệu rốn: tồn tại và giãn to phần ống niệu-rốn nằm giữa bàng quang và rốn.
    - 
Tồn tại ống niệu rốn: tồn tại hoàn toàn ống niệu-rốn, có sự thông thương giữa bàng quang và rốn.
    - 
Túi thừa ống niệu rốn: tồn tại một phần ống niệu-rốn ở phía bàng quang giống như một túi thừa ở phần đáy bàng quang, túi thừa thường thông với rốn.
  Bệnh lý ống niệu-rốn gây ra rỉ nước tiểu ở rốn, nhiễm trùng rốn và có thể hóa ác về sau.

II. CHẨN ĐOÁN

1. Công việc chẩn đoán
a. Hỏi bệnh: bé đến khám vì rốn bị ướt liên tục từ khi sinh (dịch trong, xuất hiện rõ khi bé khóc hoặc ho); hoặc có một khối u vùng dưới rốn.
b. Khám lâm sàng

  •  Nhìn thấy rốn ướt, mô quanh rốn viêm.
  •  Ấn vào vùng trên xương mu thấy có nước tiểu rỉ qua rốn.
  •  Sờ thấy khối u vùng dưới rốn.

c. Cận lâm sàng

  • Siêu âm bụng: có thể thấy cấu trúc ống vùng hạ vị, thông thương rốn với bàng quang; nang giữa rốn và bàng quang; túi thừa ở mặt đáy bàng quang.
  • X-quang: chụp bàng quang dưới áp lực (ấn tay vào vùng trên xương mu) thấy hình ảnh thông thương bàng quang với rốn; chụp đường dò từ rốn có thể thấy hình ảnh đường dò từ rốn vào bàng quang.

2. Chẩn đoán xác định: Lâm sàng + siêu âm, X-quang.
3. Chẩn đoán phân biệt

  •  Tồn tại ống rốn ruột.
  •  Tồn tại ống rốn tràng

III. ĐIỀU TRỊ

1. Nguyên tắc điều trị
Điều trị nhằm giải quyết thương tổn, ngăn ngừa các biến chứng do bệnh lý ống niệu-rốn có thể gây ra.
2. Điều trị trước phẫu thuật: Điều trị nhiễm trùng rốn.
3. Điều trị phẫu thuật
a. Nguyên tắc phẫu thuật: phẫu thuật nhằm cắt bỏ thương tổn, khâu lại phần đáy bàng quang.
b. Chỉ định phẫu thuật: có chỉ định phẫu thuật đối với mọi trường hợp bệnh lý ống niệu-rốn. Nên mổ sớm khi có tình trạng nhiễm trùng rốn.
c. Kỹ thuật mổ

  •  Phẫu thuật được thực hiện dưới gây mê.
  •  Rạch da: đường vòng cung dưới rốn.
  •  Bộc lộ ống niệu-rốn: bóc tách da và tổ chức dưới da, vào thành trước bàng quang bằng đường giữa dưới rốn, tìm ống niệu-rốn ở phần đáy bàng quang.
  •  Cắt bỏ các thương tổn của ống niệu-rốn.
  •  Khâu lại phần đáy bàng quang bằng chỉ vicryl 4.0
  •  Cầm máu, đóng vết mổ, may trong da bằng catgut 4.0.
  •  Băng vết mổ.

4. Điều trị sau phẫu thuật

  •  Thuốc: kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3, giảm đau.
  •  Thay băng: khi băng thấm dịch.
  •  Thời gian nằm viện: 1 - 3 ngày.

IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM

1. Biến chứng

  •  Chảy máu, nhiễm trùng vết mổ => cầm máu, kháng sinh, chăm sóc vết mổ
  •  Còn rỉ nước tiểu ở rốn => kiểm tra và xử lý lại.

2. Tái khám
1 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng.

Nguồn: Phác đồ nhi đồng 1 - 2015