TEO RUỘT NON

 

Có nhiều dạng teo ruột non khác nhau (Loại 1, 2, 3a, 3b, 4) nhưng tất cả đều có đặc điểm chung là có sự gián đoạn lưu thông của lòng ruột.

  

Hình 1: Các dạng teo ruột non

[Pediatric Surgery 2014]

      Trẻ bị teo ruột nếu không can thiệp trẻ sẽ không bú được và tử vong.

2. Triệu chứng

Trong khi mang thai, mẹ có thể được phát hiện đa ối trên siêu âm (khoảng 1/5 trường hợp). Nhiều bé bị teo ruột cao có thể có hình ảnh dạ dày và tá tràng dãn to.

Sau khi sinh ra, trẻ biểu hiện bệnh bằng hội chứng tắc ruột cao gồm:

  • Nôn sớm sau bú, nôn dịch xanh hay vàng (màu mật). Có thể muộn hơn nếu tắc ruột đoạn xa.
  • Chướng bụng: bụng chướng nhiều khi tắc ở đoạn ruột xa, tắc đoạn gần chướng sớm phần bụng trên rốn.
  • Không đi phân su.
  • Các triệu chứng kèm theo có thể: vàng da, da khô do mất nước…

 3. Chẩn đoán

  • Siêu âm trước sinh có vai trò chẩn đoán sớm teo ruột non. Trẻ sinh ra biểu hiện các triệu chứng trong hội chứng tắc ruột phải được nghĩ tới bệnh teo ruột non và cần thực hiện các cận lâm sàng như Xquang hay siêu âm bụng để chẩn đoán xác định.

Hình 2: Hình ảnh các quai ruột non trên chổ tắc giãn to

[Ashcraft’s Pediatric Surgery]

  • Các chẩn đoán phân biệt có thể gồm: tắc ruột phân su, bệnh Hirschsprung, xoắn ruột, thoát vị nội bẩm sinh, suy giáp bẩm sinh…
  • Trẻ cũng sẽ được thực hiện các xét nghiệm tiền phẫu quan trọng khác như: điện giải đồ máu, công thức máu, đông máu…

4. Điều trị

  • Trẻ sẽ được đặt ống thông dạ dày giải áp, cho nhịn và nuôi ăn qua đường tĩnh mạch kèm với bồi hoàn nước và điện giải. Kháng sinh cũng rất cần thiết.
  • Khi ổn định trẻ nên được phẫu thuật sớm. Mục đích của phẫu thuật là tái lập lưu thông ruột bằng cách khâu nối ruột kèm với loại bỏ đoạn ruột mất chức năng.

Hình 3: Teo ruột non loại 2 khi phẫu thuật

  • Trẻ có thể phải làm hậu môn nhân tạo tạm thời khi cần. Đa số các trường hợp sẽ được khâu nối ruột một thì.
  • Sau phẫu thuật trẻ sẽ phải nhịn ăn và được tiếp tục điều trị nội khoa hỗ trợ bao gồm giảm đau và kháng sinh. Sau 48 giờ ngày nếu ruột thông tốt trẻ sẽ được cho ăn lại dần. Chăm sóc vết mổ mỗi ngày và cắt chỉ sau 1 tuần.
  • Trong trường hợp chỗ nối ruột nằm trên cao sẽ có nguy cơ chậm hoạt động nên bé sẽ được đặt 1 ống vào đoạn đầu ruột non và đưa ra da để nuôi ăn cho đến khi bé có thể ăn được bằng đường miệng hoàn toàn.

5. Tiên lượng

  • Teo ruột non là bệnh cảnh khá nặng nề và tiên lượng bệnh chỉ ở mức trung bình.
  • Nếu trẻ sinh đủ tháng, không có nhiều dị tật hay bệnh lý đi kèm tiên lượng sống còn là 80%. Ngược lại khi trẻ sanh non, nhẹ cân, nhiều bệnh lý kèm theo tỉ lệ tử vong rất cao.
  • Sau khi phẫu thuật, trẻ còn có thể phải đối mặt với các vấn đề khác như: hội chứng ruột ngắn, chậm hoạt động miệng nối, tắc ruột do dính, nhiễm trùng trong bệnh viện …

6. Tài liệu tham khảo

  • Aguayo P., Ostlie D. J. (2010), Duodenal and Intestinal Atresia and Stenosis, Ashcraft’s Pediatric Surgery, pp: 400-415
  • Operative Pediatric Surgery 7th 2014, pp: 422-432
  • http://phauthuatnhi.vn