THOÁT VỊ BẸN NGHẸT

I. ĐẠI CƯƠNG
● Thoát vị bẹn là một trong những bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Bình thường sau sinh ống phúc tinh mạc ở nam, ống Nuck ở nữ xơ hóa và tự bịt kín. Nếu chúng không tự bịt kín, các thành phần trong ổ bụng chui qua ống này xuống vùng bẹn gây nên thoát vị bẹn và khi các tạng này bị thắt nghẹt trong ống bẹn sẽ gây ra tình trạng thoát vị bẹn nghẹt.
● Thoát vị bẹn nghẹt là một cấp cứu ngoại khoa, xử trí muộn sẽ gây ra nhiễm trùng nhiễm độc do hoại tử các tạng (ruột, mạc nối, buồng trứng, vòi trứng).
II. CHẨN ĐOÁN
1. Công việc chẩn đoán
a. Hỏi bệnh

● Lý do nhập viện: bệnh nhân đến khám vì bứt rứt, quấy khóc, bỏ bú; đau bụng; nôn ói ra thức ăn, sữa hay dịch mật; có thể có máu trong phân.
● Tiền sử: thoát vị bẹn.
b. Khám lâm sàng
● Nhìn thấy bụng chướng, khối phồng vùng bẹn-bìu căng chắc, không di động, sờ rất đau, bề mặt khối này có thể chuyển sang màu xanh tím.
● Nếu đến muộn, ruột bị hoại tử sẽ có triệu chứng của nhiễm trùng, nhiễm độc (sốt cao, môi khô, rối loạn huyết động học).
c. Cận lâm sàng
● Siêu âm: có thể xác định tình trạng thoát vị bẹn nghẹt.
● X-quang: có thể thấy hình ảnh của tắc ruột.
2. Chẩn đoán xác định
Dựa vào lâm sàng, siêu âm và X-quang.
3. Chẩn đoán phân biệt
Xoắn tinh hoàn.
III. ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc điều trị
Giải quyết sớm tình trạng thoát vị bẹn nghẹt, ngăn ngừa biến chứng nhiễm trùng nhiễm độc do hoại tử ruột.
2. Điều trị trước phẫu thuật
● Hồi sức như một trường hợp tắc ruột (bồi hoàn nước và điện giải; chống nhiễm trùng, nhiễm độc).
● Xét nghiệm tiền phẫu (công thức máu, TS - TC, tổng phân tích nước tiểu),.
● Dặn nhịn ăn uống chờ phẫu thuật cấp cứu.
3. Điều trị phẫu thuật
a. Nguyên tắc phẫu thuật

● Từng tình huống có thái độ xử trí khác nhau.
● Phẫu thuật nhằm giải phóng vòng thắt túi thoát vị, mở túi kiểm tra và xử lý thương tổn.
b. Xử trí
● Thoát vị bẹn dọa nghẹt: là thoát vị bẹn nghẹt nhưng chưa có biểu hiện tổn thương các tạng bị thoát vị => cố gắng điều trị bảo tồn bằng cách đẩy khối thoát vị lên ổ bụng. Cho bệnh nhân chích thuốc an thần, chờ 1 – 2 giờ, nếu khối thoát vị không tự lên, dùng tay bóp nhẹ và từ từ đẩy khối thoát vị lên ổ bụng. Nếu đẩy được => phẫu thuật sau vày ngày khi hết tình trạng viêm nề tại chỗ. Nếu đẩy không được => phẫu thuật cấp cứu.
● Thoát vị bẹn nghẹt: phẫu thuật cấp cứu.
● Kỹ thuật mổ:
- Vô cảm: phẫu thuật đươc thực hiện dưới gây mê.
- Rạch da: theo lằn nếp bụng thấp nhất khoảng 2-3 cm trên và ngoài lồi củ xương mu.
- Tìm và giải phóng vòng thắt của túi thoát vị: rạch qua các tổ chức dưới da, cân nông, cân cơ chéo ngoài rồi tìm và giải phóng vòng thắt của túi thoát vị.
- Mở túi thoát vị:
+ Nếu ruột bình thường, không dịch máu, không mùi hôi => đẩy ruột vào ổ bụng và xử trí như mổ thoát vị bẹn thông thường (tách mạch máu và ống dẫn tinh, cột cắt ống phúc tinh mạc sát lỗ bẹn sâu bằng chỉ không tan).
+ Nếu ruột bị tổn thương, có dịch máu và có mùi hôi => mở rộng phẫu trường, tìm và xử trí tổn thương (có thể đắp ấm, bảo tồn ruột hoặc cắt nối ruột); sau đó cột cắt ống phúc tinh mạc sát lỗ bẹn sâu bằng chỉ không tan.
- Dẫn lưu: nếu có dịch máu nhiều và dơ => dẫn lưu ổ bụng hoặc ở bìu bằng penrose hoặc ống dẫn lưu.
- Kết thúc: cầm máu; khâu cân cơ chéo ngoài; khâu cân nông và tổ chức dưới da; khâu trong da bằng catgut; cố định dẫn lưu; băng vết mổ.
4. Điều trị sau phẫu thuật
● Tiếp tục hồi sức chống nhiễm trùng, nhiễm độc sau mổ.
● Thay băng khi băng dơ.
● Rút dẫn lưu khi khô (24 - 48 giờ).
● Thời gian nằm viện: 1 - 3 ngày hoặc lâu hơn nếu có cắt nối ruột.
IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM
1. Biến chứng

● Chảy máu, nhiễm trùng vết mổ => cầm máu, kháng sinh, thay băng.
● Viêm phúc mạc do tổn thương ruột không hồi phục => phẫu thuật lại xử lý tổn thương.
● Tổn thương tinh hoàn: tinh hoàn bị thiếu máu nuôi do chèn ép có thể sẽ gây teo tinh hoàn về sau.
2. Tái khám
● Tái khám định kỳ: 1 - 2 tuần, 1 - 2 tháng, 6 tháng.
● Tái khám đánh giá kết quả điều trị; theo dõi và xử lý biến chứng.
 

Nguồn: Phác đồ nhi đồng 1 - 2015