KHÔNG HẬU MÔN

KHÔNG HẬU MÔN

Không hậu môn (dị tật hậu môn trực tràng) là dị tật trẻ sinh ra không có lỗ hậu môn, có thể có đường rò từ ống hậu môn ra xung quanh (tầng sinh môn, đường tiết niệu hay cơ quan sinh dục.

1. Khái niệm

  • Dị dạng hậu môn trực tràng là một dị tật hiếm gặp ở trẻ sơ sinh, khoảng 1/4000 trẻ sinh sống. Khi không có hậu môn, ống trực tràng bị gián đoạn và phân ứ đọng lại ở ruột già. Phân “tìm” đường thoát và sẽ rò ra ngoài bởi 1 đường rò (90% trẻ). Đường rò này có thể ra tầng sinh môn, rò vào niệu đạo hay bàng quang, âm đạo ở trẻ gái… Trường hợp khác không có đường rò, lòng ruột sẽ bị gián đoạn hoàn toàn và tình trạng tắc ruột xảy ra ( khoảng 10%).

Hình 1: Không hậu môn - đường rò trực tràng vào bàng quang

[Ashcraft’s Pediatric Surgery 2010]

  • Trẻ có dị tật không hậu môn có thể có nhiều dị tật khác đi kèm: tim mạch, hô hấp, cột sống, thận niệu, xương cùng cụt, hội chứng Down… Cũng có trường hợp trẻ không hề có dị tật nào kèm theo.
  • Chúng ta vẫn chưa biết được nguyên nhân rõ ràng của không hậu môn, chỉ biết đây là một rối loạn trong giai đoạn phôi thai. Có vài giả thuyết về gene nhưng không hoàn chỉnh.

2. Chẩn đoán

Ngày nay việc tầm soát dị tật không hậu môn và teo thực quản được làm thường qui ở các bệnh viên sản nên trẻ có các dị tật này được phát hiện rất sớm từ lúc sơ sinh. Các dấu hiệu khác trong trường hợp không được tầm soát như: bụng trướng, tiểu ra phân, không đi phân su… giúp chẩn đoán bệnh. Một số trẻ có đường rò ở da hay âm hộ vẫn đi phân su bình thường và có thể chỉ được phát hiện khi lớn hơn.

3. Xét nghiệm

  • Siêu âm xuyên thóp, siêu âm bụng, siêu âm tim để tìm các dị tật bẩm sinh thần kinh trung ương, tiết niệu và tim mạch.
  • Chụp Xquang bụng để khảo sát vị trí túi cùng trực tràng.

Hình 2: Chụp Xquang khảo sát vị trí túi cùng trực tràng

[Ashcraft’s Pediatric Surgery 2010]

  • Ngoài ra cần thực hiện các xét nghiệm tiền phẫu như: chức năng đông máu, công thức máu.
  • Nếu đang có hậu môn tạm, trẻ sẽ được chụp Xquang đầu dưới nhằm khảo sát rõ hơn vị trí túi cùng và đường rò từ trực tràng.

Hình 3: Rò trực tràng vào niệu đạo

[Ashcraft’s Pediatric Surgery 2010]

4. Cách thức điều trị

Tùy theo từng loại dị dạng mà có phương pháp điều trị có thể là tạo hình ngay 1 thì hay phải tạo hình nhiều thì. Tiên lượng của tường loại dị dạng cũng khác nhau.

4.1 Tạo hình hậu môn một thì

Những trẻ có rò ra da, rò ở tiền đình âm hộ, không có dị tật phối hợp nào kèm theo, trên phim Xquang thấy túi cùng trực tràng thấp sẽ được tạo hình hậu môn một thì.

       Hình 4: Không hậu môn rò ra da           Hình 5: Không hậu môn - rò trực tràng ra tiền đình

[Ashcraft’s Pediatric Surgery 2010]

Chăm sóc sau tạo hình: vệ sinh với betadine pha loãng 2 lần/ ngày (Xem hình ảnh ở phần tạo hình hậu môn trong phẫu thuật nhiều thì). Chỉ khâu sẽ tự tiêu.

4.2 Phẫu thuật nhiều thì

Nếu túi cùng trực tràng ở quá cao so với vị trí hậu môn thật, có đường rò phức tạp, có nhiều dị tật bẩm sinh khác kèm theo, trẻ sẽ được phẫu thuật qua nhiều thì khác nhau.

Bước 1: Mở hậu môn tạm

Trẻ sẽ được mở hậu môn tạm ra da nhằm mục đích có đường thoát phân, trẻ ăn uống được và lớn lên.

Hình 6: Hậu môn tạm

[Ashcraft’s Pediatric Surgery 2010]

Bước 2: Tạo hình hậu môn

Khi vài tháng tuổi (thường 2-3 tháng), bé sẽ được tạo hình hậu môn. Xét nghiệm quan trọng là Xquang cản quang đầu dưới hậu môn tạm nhằm đánh giá vị trí túi cùng và đường rò. Tạo hình hậu môn sẽ được thực hiện từ đường dưới. Nếu túi cùng trực tràng quá cao, khó bộc lộ được từ ngã dưới có thể phải nhờ nội soi ổ bụng hỗ trợ.

Hình 7: Tạo hình hậu môn

[Ashcraft’s Pediatric Surgery 2010]

Trong thời gian này vẫn chăm sóc hậu môn tạm. Đồng thời người nhà phải vệ sinh hậu môn tạo hình: rửa sạch với betadine pha loãng 2 lần/ ngày. Khi tạo hình được 2 tuần, bé sẽ được nong hậu môn để tránh hẹp sau này.

Bước 3: Đóng hậu môn tạm

Hậu môn tạm sẽ được đóng sau phẫu thuật tạo hình hậu môn khoảng 2 tháng. Sau khi đóng hậu môn tạm, trẻ vẫn phải tiếp tục nong hậu môn.

Lịch nong hậu môn/ số nong

Thời gian

Số lần nong

Tuổi bé

Số nong

Tháng đầu

1 lần/ ngày

1-3 tháng

12

Tháng thứ 2

1 lần/ 3 ngày

4-8 tháng

13

Tháng thứ 3

1 lần/ tuần

9-12 tháng

14

Tháng 4, 5, 

1 lần/ tháng

1-3 tuổi

15

Trẻ được nong ít nhất trong 6 tháng

4-12 tuổi

16

>12 tuổi

17

 

5. Biến chứng phẫu thuật

  • Biến chứng hậu môn tạm: viêm da quanh hậu môn, sa hậu môn tạm, chảy máu...
  • Biến chứng tạo hình hậu môn: nhiễm trùng tại chổ, xì rò...
  • Biến chứng khi đóng hậu môn tạm: xì rò, chậm hoạt động miệng nối...

6. Tiên lượng

  • Những trường hợp trẻ có túi cùng trực tràng thấp, thường hệ cơ vòng hậu môn phát triển tốt, chức năng đi tiêu về sau ở đa số trẻ hoàn toàn bình thường.
  • Ngược lại khi túi cùng trực tràng quá cao, hệ cơ vòng yếu, có thể có hiện tượng són phân về sau.
  • Hẹp hậu môn tạo hình có thể gây táo bón kéo dài.

7. Tài liệu tham khảo