P. Giáo sư Trần Ngọc Sơn - Thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh: nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị

Thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh: nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị

Thoát vị rốn là tình trạng nội tạng trong ổ bụng chui qua khe hở giữa các cơ thành bụng tại rốn và nằm sát bên dưới da. Tình trạng này gặp nhiều ở trẻ sơ sinh, khi mà cơ thành bụng chưa phát triển đủ để bịt kín ống dây rốn. Bệnh thường không nguy hiểm và có thể tự khỏi, tuy nhiên trong một số trường hợp có thể gây biến chứng và cần can thiệp phẫu thuật.

1. Thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh là gì?

Thoát vị rốn là tình trạng nội tạng trong ổ bụng chui ra ngoài qua khe hở giữa các cơ thành bụng tại rốn, tạo thành một khối lồi tại vùng rốn. Khối thoát vị có thể chứa dịch, một phần nội tạng ví dụ như: Ruột, hoặc các tổ chức khác từ ổ bụng.

  • Thoát vị rốn xảy ra thường xuyên nhất ở các bé sinh non hoặc có cân nặng khi sinh thấp. Có tới 75% trẻ sơ sinh có trọng lượng dưới 1,5kg có thoát vị rốn. Dị tật này xảy ra nhiều hơn ở các bé gái.
  • Hầu hết (90%) thoát vị rốn có thể tự khỏi trước 1 tuổi mà không cần phải can thiệp gì. 

Tạng thoát vị thường là quai ruột non

2. Nguyên nhân thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh:

Trong thời kỳ bào thai trẻ được nuôi dưỡng mẹ qua dây rốn. Trong thời gian mang thai, dây rốn đi qua một lỗ nhỏ ở cơ bụng của bé và được cắt khi bé chào đời. Trong vòng 1-2 tuần sau sinh cuống rốn teo dần và rụng đi, vết thương lành và tạo thành rốn của trẻ, lỗ ở thành bụng nơi dây rốn đi qua sẽ tự dần dần được đóng lại một cách tự nhiên khi bé lớn. Nếu các cơ không đóng kín hoàn toàn tại vị trí rốn có thể làm cho các tạng trong ổ bụng chui qua và gây ra thoát vị rốn.

3. Các dấu hiệu của thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh

Các dấu hiệu thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh rất dễ nhận biết, chỉ cần cha mẹ quan sát kỹ vị trí rốn của trẻ là có thể nhận ra các dấu hiệu:

  • Ở vị trí rốn bé sẽ có một khối u mềm nhô lên.
  • Mỗi khi bé ho, quấy khóc hoặc ưỡn mình có thể thấy rốn phồng to lên. Chỗ phồng biến mất khi bé thư giãn hoặc nằm ngửa.
  • Thoát vị rốn thường không gây đau và không gây bất kỳ sự khó chịu nào.

Biểu hiện của thoát vị rốn là rốn bị phồng lên

4. Biến chứng của thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh

 Phần lớn thoát vị rốn sẽ tự khỏi và không gây biến chứng gì. Tuy nhiên một tỉ lệ nhỏ thoát vị rốn có thể bị nghẹt: tạng thoát vị chui ra ngoài và không vào lại ổ bụng được, dẫn đến thiếu máu và có thể hoại tử. Trong trường hợp này trẻ cần được đi khám bác sĩ ngay.

Thoát vị rốn có thể bị nghẹt có các biểu hiện sau:

  • Bé khóc ngằn ngặt liên tục, hoặc tỏ ra đau đớn.
  • Khối phồng tại rốn căng to, không xẹp lại.
  • Bụng trẻ to hơn, tròn hơn, đầy hơn bình thường.
  • Vùng da khối thoát vị sưng nề và đỏ.
  • Trẻ sốt.
  • Trẻ nôn.
  • Khó đi ngoài hoặc hoàn toàn không đi ngoài.
  • Có máu trong phân.

Đối với trẻ em, các biến chứng của thoát vị rốn là rất hiếm.

5. Cách điều trị thoát vị rốn ở trẻ em

Hầu hết thoát vị rốn nhẹ sẽ tự khỏi trước 1 tuổi mà không cần can thiệp gì. Khi bé lớn lên, cơ thành bụng khoẻ hơn và có thể đóng kín lỗ hổng thành bụng, thoát vị sẽ tự mất đi.

Trong thời gian chờ cơ thành bụng đóng kín các bậc cha mẹ có thể dùng 1 miếng gạc hoặc vải mềm đặt vào rốn và băng lại cho trẻ

Phẫu thuật: Biện pháp phẫu thuật thoát vị rốn ở trẻ em được sử dụng đối với:

  • Trẻ sơ sinh bị thoát vị lớn, bị đau.
  • Thoát vị rốn không biến mất đến khi 1 tuổi.
  •  Thoát vị rốn bị nghẹt

Khuyến cáo: Một số gia đình chữa “mẹo” thường dùng băng dính, đồng xu hoặc các loại băng ép đặt lên vùng thoát vị rốn để làm nó nhỏ đi. Tuy nhiên, phương pháp này không hề mang lại hiệu quả, thậm chí có thể khiến cho tình hình càng xấu hơn. Do đó cha mẹ nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ thay vì sử dụng các kinh nghiệm dân gian chưa được kiểm chứng nói trên.

6. Chăm sóc khi bé bị thoát vị rốn

  • Cha mẹ cố gắng không để trẻ khóc nhiều, khóc to.
  • Hạn chế không để trẻ hoạt động quá mức, làm tăng đột ngột áp lực trong ổ bụng làm khối phồng lớn dần.
  • Tăng cường cho trẻ thức ăn có nhiều chất xơ, rau củ quả để hạn chế trẻ bị táo bón, vì táo bón có thể khiến trẻ rặn làm tăng hiện tượng thoát vị.
  • Nếu thấy khối thoát vị to đột biến, cứng chắc, sờ đau, cho trẻ nằm ngửa khối thoát vị không mất, kèm theo đau bụng và nôn thì có thể trẻ bị thoát vị nghẹt. Trong trường hợp này bạn cần cho trẻ đến bệnh viện ngay.​

 

Để được khám và tư vấn về bệnh các bậc phụ huynh có thể cho trẻ đến khám tại phòng khám Ngoại Nhi bệnh viện Xanh Pôn hoặc liên hệ ĐT: 0974184568

PGS. Trần Ngọc Sơn; Thạc sĩ Hoàng Văn Bảo

Khoa Phẫu thuật nhi BV Xanh Pôn Hà Nội