P. Giáo sư Trần Ngọc Sơn - Phẫu thuật điều trị thoát vị hoành bẩm sinh

Phẫu thuật điều trị thoát vị hoành bẩm sinh

Thoát vị hoành bẩm sinh qua lỗ sau bên ( Bochdalek) là tình trạng các tạng trong ổ bụng đi lên lồng ngực do sự khiếm khuyết lỗ sau bên của cơ hoành gây nên tình trạng chèn ép phổi. Phương pháp điều trị duy nhất cho thoát vị hoành bẩm sinh là phẫu thuật.

1. Thoát vị hoành bẩm sinh là gì?

Thoát vị hoành là bệnh lý tổn thương của cơ hoành qua đó các tạng trong phúc mạc di chuyển lên khoang lồng ngực qua các lỗ của cơ hoành. Thoát vị hoành có thể là bệnh lý bẩm sinh hoặc mắc phải. Theo đó, bệnh lý bẩm sinh này thường được phát hiện trong thời kỳ bào thai hoặc lúc trẻ nhỏ. Thoát vị qua lỗ sau bên chiếm đến 95% trường hợp bẩm sinh, loại thoát vị hoành bẩm sinh này được Victor Alexander Bochdalek báo cáo lần đầu tiên vào năm 1848, do đó bệnh lý này còn được gọi với tên thoát vị Bochdalek. Trẻ mắc thoát vị hoành bẩm sinh thường kèm với suy hô hấp ở nhiều mức độ khác nhau (thở kém hiệu quả) vì phổi và mạch máu phổi bên thoát vị hoành kém phát triển.

2. Chẩn đoán thoát vị hoành bẩm sinh

2.1. Lâm sàng

  • Khuyết một phần hay toàn bộ cơ hoành
  • Bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp: thở nhanh, tím tái, có thể xảy ra sớm ngay sau sinh hoặc vài giờ sau sinh thậm chí xảy ra muộn hơn với tình trạng viêm phổi tái phát.
  • Thăm khám ngực: rì rào phế nang giảm một bên, tiếng nhu động ruột trong lồng ngực, tiếng tim ở mỏm tim lệch phải.
  • Bụng lõm xẹp.

2.2. Cận lâm sàng

  • X-quang phổi thấy có bóng hơi dạ dày hay ruột trong lồng ngực, trung thất bị đẩy về bên đối diện, không thấy vòm hoành.

Hình ảnh X-quang thoát vị hoành trái

  • X quang dạ dày cản quang: xét nghiệm này được chỉ định trong trường hợp X quang phổi chưa xác định chẩn đoán.

Hình ảnh X dạ dày có thuốc cản quang của thoát vị hoành phải

  • Siêu âm ngực bụng: thấy hình ảnh một số cơ quan trong ổ bụng nằm trong lồng ngực.
  • Siêu âm tim: tim lệch phải, đánh giá áp lực động mạch phổi, tìm dị tật tim bẩm sinh phối hợp.
  • Khí máu động mạch cũng cần thiết khi bệnh nhi có suy hô hấp.

3. Phẫu thuật điều trị thoát vị hoành bẩm sinh (Bochdalek)

Hiện nay, phẫu thuật là biện pháp duy nhất điều trị thoát vị hoành bẩm sinh. Mục đích của việc phẫu thuật là đưa các tạng thoát vị trở lại ổ phúc mạc và phục hồi cơ hoành. Phẫu thuật có thể là mổ nội soi hoặc mổ mở. Mổ nội soi được ưu tiên thực hiện vì những ưu điểm vượt trội so với mổ mở.

Các bước tiến hành phẫu thuật gồm:

  • Gây mê nội khí quản, giãn cơ.
  • Thì 1: mở bụng, thăm dò
    • Mổ mở: rạch da vào đường trắng giữa trên rốn.
    • Mổ nội soi: đặt trocar 10mm qua rốn, bơm hơi để đưa camera vào ổ bụng thăm dò. Đặt tiếp 2 trocar 5mm ở dưới bờ sườn 2 bên để đưa dụng cụ vào phẫu thuật.
  • Thì 2: đẩy các tạng thoát vị lên ngực trở lại ổ bụng
  • Thì 3: khâu phục hồi lỗ cơ hoành
    • Khâu lỗ thoát vị bằng chỉ không tiêu
    • Nếu lỗ thoát vị khá lớn hoặc khiếm khuyết cả cơ hoành: bác sĩ phẫu thuật viên phải sử dụng tấm ghép nhân tạo hay tự thân như cân cơ, vạt cơ gần đó để thay thế cơ hoành.
    • Đóng bụng, rút trocar, kết thúc phẫu thuật.

4. Chăm sóc hậu phẫu

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển về khoa hồi sức, cơ thể được giữ ấm, nằm đầu cao, hỗ trợ hô hấp. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra khí máu 1 giờ sau mổ và X quang phổi 6 giờ sau mổ, tiếp tục cho truyền kháng sinh tĩnh mạch 7 -10 ngày. Người bệnh phải nhịn ăn đường tiêu hóa, được nuôi ăn tĩnh mạch hoàn toàn từ 2 -3 ngày, sau đó nuôi ăn đường miệng hoặc qua ống thông dạ dày. Bệnh nhân được chăm sóc vết thương mỗi ngày và cắt chỉ sau 7 ngày.

Để được khám và tư vấn về bệnh các bậc phụ huynh có thể cho trẻ đến khám tại phòng khám Ngoại Nhi bệnh viện Xanh Pôn hoặc liên hệ ĐT: 0974184568

PGS. Trần Ngọc Sơn; Thạc sĩ Hoàng Văn Bảo

Khoa Phẫu thuật nhi BV Xanh Pôn Hà Nội