Phẫu thuật điều trị lỗ tiểu thấp

Phẫu thuật điều trị lỗ tiểu thấp

1. Lỗ tiểu thấp là gỉ?

Lỗ tiểu thấp là một dị tật bẩm sinh tại lỗ tiểu của bé trai, khi mà lỗ tiểu nằm thấp hơn vị trí bình thường ở đỉnh quy đầu. Vị trí lỗ tiểu càng xa đỉnh quy đầu thì bệnh càng nặng, điều trị càng khó khăn.

Hình ảnh vị trí lỗ tiểu và dương vật của trẻ bình thường

Hình ảnh lỗ tiểu ở thấp dưới thân dương vật trong dị tật lỗ tiểu thấp

Lỗ tiểu thấp ở bé trai là một dị tật khá thường gặp, chiếm tỷ lệ 1/300 trẻ trai. Nếu trẻ mắc bệnh không được điều trị có thể gây vô sinh về sau, đặc biệt đối với lỗ tiểu thấp ở giữa thân dương vật hay ở gốc bìu kèm theo tình trạng cong dương vật.

2. Biểu hiện bệnh Lỗ tiểu thấp

Lỗ tiểu (lỗ đái) ở vị trí thấp hơn so với bình thường ở đầu dương vật. Dựa vào vị trí của lỗ tiểu sau khi dương vật đã được sửa thẳng, lỗ tiểu đóng thấp được chia làm 3 thể:

Thể trước (nhẹ): 50%

Thể giữa (trung bình): 20%

Thể sau (nặng): 30%

Các vị trí của lỗ tiểu trong lỗ tiểu thấp

Tia tiểu không thẳng về phía trước mà bị lệch xuống dưới hoặc ra sau. Nếu lỗ tiểu quá gần gốc dương vật thì bệnh nhân không đứng tiểu được.

Dương vật cong

Da quy đầu bị thiếu ở mặt bụng nhưng lại bị thừa ở mặt lưng.

Có thể có các bệnh kèm ở vùng sinh dục như: thoát vị bẹn, tinh hoàn ẩn, bìu chẻ đôi, chuyển vị dương vật bìu (dương vật thấp so với bìu), rối loạn phát triển giới tính.

Rối loạn tâm lý: Trẻ có thể bị mặc cảm, tự ti về bất thường lỗ tiểu nếu không được điều trị sớm.

 

3. Những ảnh hưởng của dị tật lỗ tiểu thấp

Dị tật lỗ tiểu thấp không gây ra khó tiểu nhưng đường dẫn nước tiểu (niệu đạo) có thể phát triển kém. Khi lỗ tiểu thấp thể nặng bé trai phải ngồi tiểu như phụ nữ. Vì vậy mức độ ảnh hưởng nặng hay nhẹ dựa trên vị trí lỗ tiểu.

Đối với tật cong dương vật nếu không điều trị thì về sau ở tuổi trưởng thành gây khó khăn trong giao hợp. Những trường hợp cong nặng cần phẫu thuật nhiều lần để chỉnh sửa.

Trong lỗ tiểu thấp vị trí lỗ tiểu bất thừng kết hợp với cong dương vật có thể dẫn tới vô sinh về sau.

4. Lứu tuổi thích hợp để điều trị dị tật lỗ tiểu thấp

Lứa tuổi phẫu thuật thích hợp nhất là từ tháng tuổi cho đến trước 18 tháng. Nên mổ trước 18 tháng tuổi vì đứa trẻ khi lớn lên sẽ không nhớ những gì xảy ra trước lứa tuổi này, như vậy sẽ tránh mặc cảm cho bé trai về sau. Ngoài ra trong lứa tuổi này phẫu thuật cũng có tỷ lệ thành công tốt hơn so với mổ muộn.

Đối với những trường hợp đặc biệt như dương vật nhỏ thì bé trai được mổ muộn hơn. Việc quyết định thời điểm phẫu thuật ở những trường hợp này là do bác sĩ chuyên khoa.

5. Phẫu thuật điều trị lỗ tiểu thấp

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính của dị tật lỗ tiểu thấp. Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau được áp dụng tùy theo mức độ nặng nhẹ của thể bệnh

Mục đích phẫu thuật: đưa lỗ tiểu về đỉnh quy đầu, tạo hình dáng thẳng cho dương vật; tránh việc trẻ bị mặc cảm khi lớn lên; giảm thiểu nguy cơ vô sinh sau này.

Một số dạng dị tật lỗ tiểu thấp thể nhẹ và đôi khi không cần thiết đến phẫu thuật mà chỉ cần thủ thuật. Trong khi đó, với những dị tật lỗ tiểu đóng ở vị trí quá xa đầu dương vật kèm với dương vật biến dạng nặng, chỉ định phẫu thuật là cần thiết và thường được thực hiện khi trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 18 tháng. 

Ngày trước phẫu thuật, con bạn thường sẽ được yêu cầu không uống hoặc ăn bất cứ thứ gì sau nửa đêm vào đêm trước khi phẫu thuật hoặc ít nhất 6 đến 8 giờ trước khi phẫu thuật. 

Khi phẫu thuật bắt đầu, con bạn sẽ được gây mê toàn thân. Trẻ sẽ ngủ và điều này sẽ khiến trẻ không cảm thấy đau khi phẫu thuật. Sau đó các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật tạo hình lại niệu đạo để đưa lỗ tiểu lên đỉnh của dương vật, làm cho dương vật thẳng và tạo hình lại cho dương vât.

Trong khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ đặt ống thông vào niệu đạo để tạo một hình dạng mới. Ống thông có thể được khâu hoặc gắn chặt vào đầu dương vật, giúp giữ nó đúng vị trí. Sau phẫu thuật từ một tuần, ống thông sẽ được rút bỏ khi vết thương trong tạo hình lỗ tiểu mới cũng đã lành tốt.

Ngoài ra, ngay sau khi phẫu thuật, dương vật của trẻ sẽ được bác sĩ dán cố định vào thành bụng dưới để hạn chế di chuyển. Trẻ được khuyến khích mặc áo rộng hoặc đầm thay cho quần. Toàn bộ các mũi khâu được sử dụng trong quá trình phẫu thuật dị tật lỗ tiểu thấp sử dụng chỉ tự tiêu nên sẽ không phải tháo ra sau đó. Con bạn cũng sẽ được khuyến khích uống nước để bé đi tiểu thường xuyên. Việc đi tiểu sẽ giữ áp lực tích tụ trong niệu đạo, tránh gây chít hẹp về sau.

6. Theo dõi sau phẫu thuật dị tật lỗ tiểu thấp như thế nào?

Tương tự như các thủ thuật, phẫu thuật khác, phẫu thuật dị tật lỗ tiểu thấp cũng có một số rủi ro nhất định. Chính vì vậy, cha mẹ cần biết cách theo dõi và phát hiện sớm cho trẻ, nhất là sau khi đã được xuất viện về nhà. Các rủi ro có thể xảy ra sau phẫu thuật này bao gồm:

  • Chảy máu vùng mổ
  • Nhiễm trùng vùng mổ
  • Tắc ống sông niệu đạo
  • Xuất hiện lỗ rò rỉ nước tiểu
  • Sẹo chít hẹp niệu đạo sau khi tạo hình

Lúc này, trẻ có thể cần nhập viện lại để chỉnh sửa thì hai đối với các bất thường phức tạp. Ngược lại, với các bất thường đơn giản, như sẹo chít hẹp, trẻ cần được can thiệp nong niệu đạo trong thời gian dài. Tuy nhiên, nhìn chung, tỷ lệ xảy ra biến chứng khá thấp và hầu hết các trẻ trai đều có một dương vật hoàn thiện sau phẫu thuật dị tật lỗ tiểu thấp một thì. Bộ phận này đảm bảo cho trẻ những sinh hoạt tiểu tiện như bình thường và khả năng hoạt động tình dục khi đến tuổi trưởng thành.

Để được như vậy, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cuộc thăm khám tiếp theo với bác sĩ chuyên khoa theo hẹn cho đến khi vết thương đã lành hẳn. Một số ít trường hợp sẽ cần tham vấn bác sĩ chuyên khoa khi trẻ đến tuổi dậy thì.

Tóm lại, phẫu thuật dị tật lỗ tiểu thấp là một loại phẫu thuật nhằm chỉnh sửa lại bất thường tại đường tiểu nam của trẻ trai. Dù nguyên nhân vẫn chưa được xác định, dù dị tật này có nhiều biểu hiện đa dạng khác nhau, việc chỉ định can thiệp tạo hình cần lên kế hoạch sớm, giúp hoàn thiện lại các chức năng sinh lý bình thường cho dương vật của trẻ, phòng tránh các di chứng trên tâm lý cũng như khả năng sinh sản về sau.

Khi phát hiện bé trai có biểu hiện của dị tật lỗ tiểu thấp thì cha mẹ có thể đưa bé khám tại Khoa ngoại nhi Bệnh Viện Đa Khoa Xanh Pôn Hà Nội để được khám và tư vấn.